Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu nông sản việt nam

Dự án tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam

Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam, gọi tắt là Dự án SFV-Export, Do Liên minh Châu Âu tài trợ, được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Dự án được triển khai trong hai năm từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả tăng cường năng lực xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực của ngành cùng danh tiếng của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, từ đó gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này, đặc biệt vào thị trường EU.

Bối cảnh

EVFTA mở rộng CƠ HỘI xuất khẩu cho các sản phẩm rau quả, gia vị sang thị trường Châu Âu (EU):

  • Cắt giảm hầu hết thuế nhập khẩu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực
  • Kim ngạch xuất khẩu gia vị, rau quả tăng trưởng tốt, nhưng sản phẩm từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của các nước EU

Những THÁCH THỨC chính cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trước ngưỡng cửa thị trường EU:

  • Các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm
  • Thiếu thông tin về thị trường và cơ hội tiếp cận với các khách hàng EU
  • Hạn chế về năng lực chung của ngành và nhận diện thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU chưa mạnh

Mục tiêu của dự án

icon
Hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do EU công nhận (IFS, BRC,...) và tiêu chuẩn thực hành bền vững (Fairtrade)
icon
Hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ EU
icon
Thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường EU

Đối tượng tham gia

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả trên địa bàn cả nước:

  • Mong muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU
  • Có nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn được EU công nhận về an toàn thực phẩm và thực hành bền vững
  • Có liên kết chuỗi với nhà cung cấp trong nước

Ưu tiên các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và môi trường bền vững.

Lợi ích

  • Doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và thực hành bền vững; cải thiện hoạt động kinh doanh và quản lý chuỗi cung ứng nhằm tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn.
  • Nhà cung cấp của doanh nghiệp hưởng lợi từ các mô hình hợp tác bền vững với doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó đảm bảo nguồn cung ứng ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường EU.
  • Doanh nghiệp kết nối với các đối tác châu Âu, từ đó đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.

Liên minh Oxfam

Oxfam là một liên minh quốc tế, một phong trào toàn cầu vì một thế giới bình đẳng, không còn nghèo đói và bất công.

Oxfam Quốc tế gồm 21 tổ chức Oxfam thành viên làm việc tại 87 quốc gia.

Tầm nhìn của Oxfam: hướng tới một thế giới công bằng và bền vững, mọi người và trái đất là trung tâm của nền kinh tế. Phụ nữ và trẻ em gái không gặp phải bạo lực và phân biệt đối xử. Khủng hoảng khí hậu được kiểm soát. Và hệ thống quản trị có sự tham gia của người dân và các nhà lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm.


Oxfam tại Việt Nam

Oxfam tại Việt Nam tin rằng nghèo đói, bất công và bất bình đẳng sẽ giảm khi có sự tương tác giữa công dân tích cực, chính quyền và khu vực tư nhân có trách nhiệm. Đây là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam.

Oxfam tại Việt Nam hướng tới vận động dịch chuyển từ mô hình phát triển dựa vào tăng trưởng sang mô hình phát triển Nền kinh tế Nhân văn, xây dựng trên 9 yếu tố cốt lõi:

(1) Đo lường những điều thực sự có ý nghĩa từ góc độ bất bình đẳng và nghèo đa chiều, công việc chăm sóc không được trả lương, và môi trường;

(2) Điều tiết thị trường chứ không để thị trường chi phối;

(3) Chấm dứt tình trạng giàu có cực đoan;

(4) Thuế luỹ tiến;

(5) Dịch vụ công phổ quát;

(6) Bình đẳng giới và nội lực của phụ nữ;

(7) Việc làm tử tế với mức lương công bằng và đủ sống cho người lao động;

(8) Các mô hình kinh doanh có trách nhiệm và bao trùm;

(9) Sự tham gia của người dân.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.

Hoạt động của VCCI nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.


VCCI đã tập hợp một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho gần 800.000 doanh nghiệp trong cả nước. VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 các tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu.

VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các liên đoàn giới chủ thế giới và khu vực.